Pages

16.2.11

Những nguy hiểm của nghề sơn sửa móng tay

Bác sĩ Vũ văn Dzi, Chuyên Khoa Nội Thương

Một thống kê của Bộ Lao Động cho biết là cộng đồng Việt Nam ở Mỹ và tại một số quốc gia khác như Canada, Úc, Tây Âu.. đã gần như chiếm độc quyền một nghề mới có gần đây là nghề sơn, sửa móng tay, tạm gọi là nghề làm “nails”.

Từ các thành phố lớn cho đến nhỏ nhất đâu đâu cũng có một tiệm sơn/ sửa móng tay do người Việt làm chủ nhân và sau đó mở trường dạy nghề khiến mỗi ngày lan rộng đi khắp nơi. Một phóng sự của Đài truyền hình CNN cho biết là nghề làm móng tay đã phát triển ở Mỹ là nhờ một sáng kiến của nữ tài tử Tippi Hedren (đóng phim The Birds) khi bảo trợ giúp 19 gia đình Việt Nam sang định cư tại California thì sau đó đã hướng dẫn một số phụ nữ Việt Nam học cách sơn sửa móng tay do người thợ riêng của bà chỉ dẫn và sau đó theo học tại những trường dạy làm móng tay.

Nhờ tài khéo léo, chăm chỉ và kiên nhẫn nên sau đó những người này thành công mau chóng và từ đó giúp đỡ thân nhân sang sau và những thế hệ kế tiếp đi theo con đường làm “nghề nails“ và cho đến nay thì người Việt gần như chiếm độc quyền trên cả nước và cùng một lúc giúp cho người dân Mỹ trung lưu có dịp được hưởng một dịch vụ mà trước đây chỉ dành riêng cho những người thật giàu có như các tài tử Hollywood..



Những hóa chất độc hại..

Nhưng nghề làm móng tay, móng chân cũng có những nguy hiểm vì trong các loại thuốc sơn móng tay hay rửa móng tay có những hóa chất sau khi hít phải hay thấm phải vào trong cơ thể thì có thể gây ra một chứng bệnh như ung thư máu, viêm phổ mãn tính hoặc nguy hiểm hơn cả tại những phụ nữ mang thai thì có thể gây ra những dị tật bẩm sinh hoặc bệnh tự kỷ (autism) ảnh hưởng lên các bào thai nhất là trong thời gian 3 tháng đầu tiên khi mà cơ thể của bào thai có những tăng trưởng mau lẹ khiến các dị tật dễ xảy ra..

Trong các hóa chất sơn móng tay thì gần đây có chất Dibutyl Phthalate tức DBT được nghiên cứu nhiều hơn cả được pha vào trong các chất nhựa dẻo và sơn móng tay. Chất DBT đã được thí nghiệm trên loài chuột và gây ra ung thư gan và có thể gây ra bệnh suyễn ở những người thường xuyên hít phải hơi độc của DBT. Hiện nay DBT đã bị các nước Âu châu cấm dùng trong lãnh vực chế tạo các mỹ phẩm.

Ngoài ra còn chất toluene và formaldehyde (được dùng để ướp xác hoặc tại VN, TQ dùng để bảo quản bánh phở và mì gói..). Một số công ty chế tạo mỹ phẩm như Elizabeth Arden, Avon đã không còn dùng hai chất này nữa vì gây ra ung thư gan và ung thứ máu (leukemia).
Acetone tức 2 propanone được dùng để rửa sơn móng tay và là một hóa chất dễ cháy và bốc hơi nên người dùng dễ hít phải rồi bị nhiễm độc bởi khói và bị suyễn hoặc viêm phỗi mãn tính. Nhưng cho đến nay chưa có bằng chứng gây ra ung thư phổi hay không vì chưa đủ thời gian để kiểm chứng.

Những người dùng acetone để rửa móng tay trong một thời gian ngắn thì không nguy hiểm nhưng đối với những người phải thường xuyên tiếp xúc với hơi của acetone như trong các tiệm sơn/sửa móng tay thì sau một thời gian thì có thể bị những chứng bệnh kinh niên đường phổi (chronic bronchitis). Riêng chất benzene thì Y học đã chứng minh từ lâu là gây ra bệnh ung thư máu (leukemia) và ngày nay vẫn còn được dùng trong công nghiệp hóa chất, nhựa dẻo..

Chất toluene cũng được dùng để rửa móng tay và có thể thấm vào trong cơ thể và có những tác hại lâu dài gọi là systemic effects ví dụ như lên các cơ quan sản xuất ra các tế bào máu trong tủy xương (bone marrow) và lâu ngày dẫn đến ung thư máu (leukemia) rất nguy hiểm và khó chữa và đôi khi cần phải được ghép tủy xương (bone marrow transplant).
Hiện nay có một số thuốc rửa móng tay được quảng cáo là thiên nhiên (natural products) hoặc non–acetone nail remover nhưng sự an toàn của những loại hóa chất này cũng chưa được kiểm chứng rõ ràng..

Nói chung thì hiện nay vẫn chưa có một loại thuốc rửa móng tay thật an toàn và tốt nhất vẫn là áp dụng những biện pháp bảo vệ môi trường và cá nhân.

Nếu rửa móng tay ở nhà thì nên làm ở chỗ thoáng khí và tránh hít phải hơi độc. Các tiệm chuyên sơn/ sửa móng tay thì cần có hệ thống hút hơi làm thoáng khí thật an toàn và đúng tiêu chuẩn của EPA. Đây là điểm quan trọng nhất vì không những bảo vệ sự an toàn cho khách hàng mà cho cả người hành nghề nhất là khi phải tiếp xúc với hơi độc mỗi ngày nhiều tiếng đồng hồ hoặc vì ham lợi nhuận làm “overtime”..

Những chai lọ đựng thuốc sau khi dùng xong cần được bỏ vào những thùng chứa được đóng kín và đem đi phế thải an toàn (air tight container) do những công ty chuyên môn (waste removal). Cần kiểm chứng các loại mỹ phẩm có chứa những chất độc kể trên hay không hoặc tham khảo chủ nhân dùng những loại mỹ phẩm có an toàn hay không..

Những người chuyên nghiệp thì cần bảo vệ cho bản thân và nhất là những bà mẹ đang mang thai (nhất là trong 3 tháng đầu) thì tuyệt đối nên tránh bị nhiễm phải những hơi độc của những hóa chất vì những chất độc này có thể nhiễm vào bên trong cơ thể rồi qua đường máu huyết truyền sang cho bào thai đang trong thời kỳ phát triển mau lẹ khiến dễ bị những dị tật bẩm sinh và nhất là bệnh tự kỷ (autism) mà ở Mỹ ngày nay rất được quan tâm và điều trị hết sức tốn kém. Một thống kê cho biết là trên 150 trẻ sơ sinh thì trung bình có 1 em bị chứng bệnh này mà việc điều trị có thể kéo dài cả đời..mà không có gì có thể thay thế được..

Hội chứng Sick building syndrome..

Gần đây Y học có mô tả một hội chứng gọi là Sick building syndrome nghĩa là có những căn nhà, căn phòng mà khi bước vào thì bị ho hen suyễn, khó thở. Nguyên nhân là lối thiết kế nhà cửa ở Mỹ hiện nay thường được kín gió hòng tiết kiệm năng lượng (energy efficient, well insulated) nên các hơi độc không được thoát ra bên ngoài nếu không có một hệ thống thoát hơi an toàn. Hiện nay cơ quan bảo vệ môi sinh EPA coi việc ô nhiễm không khí là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong ở Mỹ và những người làm nghề sơn sửa móng tay là một trong những nghề hay bị nhất. Ngoài những hóa chất bay hơi (volatile organic chemicals) thì còn có thêm những chất mốc meo (molds), khói thuốc lá.. cũng gây ra ô nhiễm cho những người làm việc lâu dài và hàng ngày phải tiếp xúc với chất độc.

Ngay cả một số đồ vật trang trí nội thất như cây cỏ, hoa lá bằng nhựa dẻo, màn cửa, thảm lót nhà, gỗ sơn bóng cũng có thể thải ra những hóa chất gây bệnh..nói chung là đời sống công nghiệp ở Mỹ không thể tránh khỏi sự ô nhiễm hóa chất gây ra..

Gần đây có một khảo cứu dựa trên các cuộc thí nghiệm trên các phi thuyền không gian dùng một số cây cỏ trồng trong nhà gọi là houseplants để khử độc những hóa chất trong không khí. Một số cây cảnh trồng trong nhà có khả năng hút những chất độc như acetone, toluene, benzene rồi sau đó truyền xuống hệ thống rễ cây gọi là rhizosphere mà ở trong có một số vi khuẩn có khả năng tẩy uế và phân hóa những hóa chất này trở nên vô hại.

Càng ngày càng có nhiều bằng chứng là các cây cỏ trong thiên nhiên từ những khu rừng nhiệt đới cho tới những đám rừng rong biển cho tới những khu vực sinh thái bờ biển, đầm lày đã có những vai trò tối quan trọng giữ cho các môi trường không bị hủy hoại rồi một ngày kia dẫn đến ngày Tận Thế khi mà không còn sinh vật nào tồn tại nữa. Một vị trưởng lão da đỏ bộ lạc Snoquamish tên Chief Seattle (tên được đặt cho một thành phố lớn vùng Tây Bắc) đã có lần khuyên các di dân Mỹ đến định cư khi thấy họ phá hủy các khu rừng quý tại đây là “nếu các ông tiếp tục phá hoại môi sinh và thải ra những chất độc hại thì một ngày kia các ông và con cháu các ông sẽ chết ngộp trong những đống rác do các ông tạo nên..”

Hội chứng Sick Building syndrome chỉ là một trong những “chứng bệnh” do ô nhiễm môi sinh trong đó có những cửa tiệm sơn sửa móng tay. Ngoài hệ thống thoát hơi thì có thể trồng một số cây cỏ có khả năng tẩy độc như loại cây pothos, English ivy, peace lily, philodendron, diffenbachia.. là những loại cây trang trí để lọc không khí và có thể sống lâu trong nhà dễ dàng thay vì dùng những loại cây bằng nhựa dẻo nhân tạo vừa giữ bụi và vừa có thể gây bệnh cho căn phòng của hội chứng “sick building syndrome”.

BS Vũ văn Dzi, MD., Chuyên Khoa Nội Thương

TAGS: Nghề sơn sửa móng tay, Nghề nails, Dị tật bẩm sinh, Bệnh tự kỷ (Autism), Dibutyl Phtalate (DBT), Toluene, Formaldehyde, Ung thứ máu (Leukemia), Acetone, Benzene, Sick building syndrome, Houseplants, Pothos, English ivy, Peace lily, Philodendron, Diffenbachia,


Vu Van Dzi

No comments:

Post a Comment