Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là bác sĩ Hồ văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia.
Một thính giả tên Bình có thắc mắc và được bác sĩ Hồ văn Hiền giải đáp:
Tinh dịch (sperm) màu đỏ như trà lipton có lẽ do máu trong tinh dịch. Từ y khoa gọi là hematospermia, thường xảy ra ở đàn ông trung niên (30-40 tuổi). Đàn ông trên 50 tuổi, tuyến tiền liệt bị phì đại (prostatic hypertrophy) cũng có thể bị chứng này. 90% trường hợp sẽ tái đi tái lại nhiều lần. Hâu hết trường hợp không liên hệ đến bịnh nguy hiểm như ung thư. Đa số sẽ tự nó khỏi sau vài tuần, vài tháng.
Nguyên nhân:
Bình thường, tinh dịch được sản xuất trong dịch hoàn, được ống dẫn tinh (vas deferens) chuyền đến hai túi đựng tinh dịch (seminal vesicles), nằm sau bọng đái, rồi đi qua tuyến tiền liệt, trước khi được tống xuất ra niệu đạo (urethra) và ra ngoài. Hai túi đựng tinh dịch và tuyến tiền liệt đóng góp thêm những chất và dịch để nuôi dưỡng và che chỡ tinh trùng, cho nên nếu hai bộ phận này bị nhiễm trùng, bị viêm hoặc bị chấn thương, tich dịch có thể đổi màu vì có máu trong đó. ở người trên 50 tuổi, máu có thể xuất hiện trong tinh dịch sau khi làm sinh thiết (thử thịt, biopsy, tuyến tiền liệt). Ngoài ra, máu có thể xuất phát từ một trong những bộ phận khác mà tinh dịch đi qua, trước khi xuất tinh như dịch hoàn, bọng đái, niệu đạo (urethra). Trong chừng 50% các trường hợp, bịnh nhân không có triệu chứng gì (đau lúc tiểu, đau lúc xuất tinh, đau hạ bộ), nước tiểu bs thử cũng không có máu và bs không tìm được nguyên do gây ra chảy máu. Tuy triệu chứng tinh dịch đỏ làm bịnh nhân hoảng sợ, rất hiếm khi máu trong tinh dịch là dấu hiệu của ung thư dịch hoàn hay tuyến tiền liệt (ít hơn 1%), nhất là ở người trẻ (thường ung thư dịch hoàn và tuyến tiền liệt được phát hiện với những triệu chứng khác). Trong đại đa số trường hợp, hematospermia không ảnh hưởng đến khả năng sinh con cái.
Koro:
Thính giả lo lắng vì trí nhớ giảm, tay chân tê mõi và cơ quan sinh dục teo nhỏ. Trong đại đa số trường hợp, đây là những dấu hiệu của sự lo âu, mệt mõi chung chung do hoàn cảnh không thích hợp với ý muốn, hơn là những dấu hiệu khách quan có thể đo lường được. Ở Indonesia, có một hiện tượng văn hoá gọi là koro, trong đó người bịnh có cảm giác là bộ phận sinh dục mình bị teo lại và bịnh nhân lo sợ nó sẽ biến đi mất. Tuy nhiên, bác sĩ khám các bịnh nhân này và chưa bao giờ quan sát thật sự là bộ phận này bị teo nhỏ lại. Thường đây là một triệu chứng do ảnh hưởng của các tin tưởng đặc biệt của văn hoá (cultural belief) trong vùng kết hợp với chứng lo âu của cá nhân. Bịnh nhân cần được bs khám cẩn thận, giải thích để hiểu về cơ thể học (anatomy) của bộ phận sinh dục, đo khách quan để chứng minh cho bịnh nhân thấy là sự thu nhỏ của bộ phận không xảy ra thật sự. Nếu cần, bác sĩ có thể giúp bịnh nhân giải toả các lo âu của mình.
Mộng tinh:
Về mộng tinh (xuất tinh lúc đang ngủ, có nằm mơ hay không; nocturnal emission, wet dream), một số đàn ông cũng có những lo âu (anxiety) về mặc cảm tội lỗi, sợ ảnh hưởng trên sức khoẻ chung, trên khả năng có con cái của mình, trên trí nhớ, vv Tuy nhiên, theo các thống kê, đàn ông trẻ mạnh khỏe có mộng tinh chừng một tháng một lần là thường và y học hiện nay xem mộng tinh là một hiện tượng tự nhiên không cần chữa trị gì cả.
Tóm lại, tinh dịch màu đỏ có lẽ do máu hiện diện trong tinh dịch. Trong đa số trường hợp, nhất là ở người trẻ và không có triệu chứng gì khác, máu trong tinh dịch sẽ tự nó khỏi sau vài tuần, vài tháng. Nếu có những triệu chứng như đau dịch hoàn, sưng dịch hoàn, tiểu rát (gắt), đau bụng dưới, tiểu ra máu, hoặc có khả năng bịnh hoa liễu (bịnh truyền đường tính dục, sexually transmitted disease) do không dùng áo mưa (condom), nên tìm bác sĩ khám để tìm nguyên nhân cụ thể và chữa theo đúng bịnh, đồng thời giảm bớt lo âu.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Cảm ơn bác sĩ Hồ văn Hiền.
Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.
Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y Học là 202-205-7890, xin nhắc lại, 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Chúng tôi sẽ chuyển các thắc mắc của quý vị cho các bác sĩ chuyên khoa phân tích và giải thích và sẽ thông báo ngày giờ giải đáp để quý vị tiện theo dõi.
Nguồn VOA.
No comments:
Post a Comment